Cơ hội mới cho thị trường bất động sản công nghiệp TP.HCM
Sáng ngày 17/7/2025, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước và CBRE Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cơ hội vàng từ Bất động sản Công nghiệp TP.HCM”. Hội thảo quy tụ 200 khách mời đến từ các Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực Bất động sản công nghiệp TP.HCM nói chung và Khu công nghiệp Hiệp Phước nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM bước sang một giai đoạn phát triển đột phá với việc mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập hai trung tâm công nghiệp - cảng biển trọng yếu từ địa phận Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây không chỉ là sự kiện mang tính hành chính, mà là bước chuyển mình chiến lược để hình thành một vùng kinh tế siêu đô thị - liên kết vùng mạnh mẽ - đẩy mạnh logistics, công nghiệp công nghệ cao và trung tâm tài chính quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Việt Hà - Phó trưởng Ban Hepza đã chia sẻ: “Sau sáp nhập, TP.HCM mới hiện nay có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp với tổng diện tích đất hơn 27.000 ha. Theo Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 49.000 ha, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của quốc gia. Trong giai đoạn 2025 - 2030, các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt từ 20 tỷ đến 21 tỷ USD; suất đầu tư bình quân thu hút đạt từ 8 triệu USD/ha đến 10 triệu USD/ha; giải ngân 70% tổng vốn đầu tư đăng ký theo tiến độ. Chúng tôi tập trung thu hút 4 ngành công nghiệp chủ lực, tập trung phát triển các phân khúc có hàm lượng công nghệ cao và giá trị tăng trưởng lớn, thân thiện môi trường; các ngành công nghiệp tiềm năng và các ngành công nghiệp mới, có tính chiến lược như: điện tử - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn, chuỗi khối, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghiệp môi trường.
Hướng đến mô hình phát triển bền vững, chúng tôi đang triển khai Đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của một số khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó đặc biệt là chuyển đổi KCN Hiệp Phước sang mô hình sinh thái, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi cộng sinh, từng bước tiếp cận kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ mới, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nhà đầu tư, đây cũng là một điểm sáng mà nhà đầu tư có thể tìm hiểu sâu hơn.”
Tại hội thảo, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) nhấn mạnh: bước ngoặt lịch sử từ ngày 1/7/2025 khi TP.HCM chính thức sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành siêu đô thị đầu tiên của Việt Nam với quy mô gần 14 triệu dân, tỷ lệ đô thị hóa 78% và nền kinh tế đa trung tâm. Sự hội tụ này tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất - logistics - tài chính đến tiêu dùng, gia tăng sức cạnh tranh vùng. Trong đó, TP.HCM giữ vai trò trung tâm tài chính - dịch vụ và đổi mới sáng tạo; Bình Dương là động lực công nghiệp công nghệ cao; còn Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh về kinh tế biển, cảng nước sâu và du lịch nghỉ dưỡng.
Trong mô hình phát triển vùng mới, TP.HCM được quy hoạch thành một đô thị đa trung tâm, với ba cực kinh tế mang tính bổ sung và liên kết chức năng chặt chẽ. TP.HCM giữ vai trò trung tâm tài chính, dịch vụ cao cấp và đổi mới sáng tạo, là hạt nhân thu hút vốn, công nghệ và nhân lực chất lượng cao. Bình Dương phát huy thế mạnh là cực công nghiệp công nghệ cao, với hệ thống khu công nghiệp hiện đại, chuỗi cung ứng sản xuất và logistics liên vùng. Bà Rịa - Vũng Tàu đảm nhận vai trò trung tâm kinh tế biển quốc gia, phát triển cảng nước sâu, công nghiệp năng lượng và du lịch cao cấp. Sự phân bố này tạo nền tảng cho một chuỗi giá trị nội vùng khép kín - từ sản xuất, vận chuyển, tài chính đến tiêu dùng - hướng đến mô hình tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, bà Cao Thị Phi Vân cũng chỉ ra loạt thách thức không nhỏ. Sự khác biệt trong trình độ phát triển hạ tầng, mô hình quản trị và phân bổ nguồn lực giữa ba địa phương đòi hỏi phải có một cơ chế điều phối vùng linh hoạt, có tính thể chế cao và nhất quán trong chính sách. Nếu không được quy hoạch tích hợp và triển khai đồng bộ, chính các yếu tố bổ sung sẽ trở thành điểm nghẽn nội tại. Mặt khác, bà cũng nhấn mạnh rằng TP.HCM mới - với quy mô, tiềm lực và sức bật - đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu cho giới đầu tư toàn cầu. Đầu tư vào vùng đô thị mới không chỉ là cơ hội kinh tế, mà còn là sự đồng hành chiến lược với mô hình phát triển mới của quốc gia - một Việt Nam năng động, kết nối và bền vững trong kỷ nguyên chuyển đổi.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn và cho thuê kho, xưởng và logistics khu công nghiệp của CBRE Việt Nam chia sẻ về tình hình tổng quan thị trường đầu tư bất động sản công nghiệp nói chung và miền Nam nói riêng. Theo ông, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư bất động sản công nghiệp, đặc biệt sau làn sóng thuế quan mới. Các doanh nghiệp tiếp tục duy trì kế hoạch mở rộng sản xuất và đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ngoài thị trường Mỹ. Trong bối cảnh đó, TP.HCM nổi lên là điểm đến lý tưởng nhờ vị trí địa lý chiến lược, môi trường đầu tư thuận lợi và nguồn lao động chất lượng cao. Nguồn lực về đất đai của TP.HCM đã thay đổi vượt bậc, từ chỗ có 2.500ha đất công nghiệp sau sáp nhập tăng lên tổng cộng 27.000ha. Giá thuê đất cao, vào khoảng 200 USD/m2 tại TP.HCM cũ và khoảng 160 USD/m2 ở các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu cũ. Diện tích đất công nghiệp lớn tại các tỉnh sau sáp nhập với giá thuê đất thấp hơn là cơ hội, tiềm năng cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, sản phẩm kho xưởng cho thuê trong 6 tháng đầu năm của hai miền Nam và Bắc đều rất tốt, vào khoảng 700.000m2. Giá cho thuê giữ được ở mức 4,9 USD/m2 đối với miền Bắc, 5,2 USD/m2 đối với miền Nam. Nguồn cung kho xưởng hiện đại cho thuê có xu hướng phát triển tốt. Năm 2020, miền Nam có khoảng 2,5 triệu m2 kho xưởng hiện đại cho thuê, tuy nhiên, tới quý II/2025, con số này tăng lên tới 73 triệu m2, đặc biệt là tỉ lệ hấp thụ cho thuê tốt.
Ông Hường Xuân Tân, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước đã chia sẻ những thông tin tổng quan về Khu Công nghiệp Hiệp Phước toạ lạc với vị trí chiến lược tại cửa ngõ phía Nam TP.HCM, hiện đạt mức lấp đầy 95% (giai đoạn 1) và 30% (giai đoạn 2), với 35 dự án FDI và 148 dự án trong nước đa dạng lĩnh vực. Nổi bật với mô hình khu công nghiệp sinh thái, Hiệp Phước khuyến khích “chuỗi cộng sinh” doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ sạch, hướng đến kinh tế tuần hoàn. Với vị trí gần cảng biển, hạ tầng logistics đồng bộ và hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, đây là lựa chọn chiến lược hấp dẫn trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và định hướng phát triển xanh bền vững vùng TP.HCM đến năm 2050.
Phiên thảo luận chuyên đề “Cơ hội vàng từ Bất động sản Công nghiệp TP.HCM” với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Hepza, ITPC, KPMG, CBRE, Schindler và KCN Hiệp Phước tập trung thảo luận các vấn đề về cơ hội, môi trường đầu tư, pháp lý, tình hình thuế quan, các vấn đề mà nhà đầu tư FDI quan tâm trong bối cảnh bất động sản đang bước vào giai đoạn chọn lọc khắt khe về pháp lý, vị trí và tiềm năng sinh lời. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định trong tình hình hiện tại, KCN Hiệp Phước tại TP.HCM nổi lên với lợi thế hiếm có - quỹ đất sạch rộng lớn với vị trí hấp dẫn và pháp lý hoàn thiện. Với quy mô lớn được quy hoạch bài bản, KCN Hiệp Phước được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm thu hút giới đầu tư đang tìm kiếm một nơi vừa có hạ tầng hoàn chỉnh, vị trí chiến lược, cảng biển nội khu, cơ sở tiện ích đầy đủ, pháp lý rõ ràng; vừa có thể khai thác kinh doanh hiệu quả.